Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

DANKO


   
      Dankô với trái tim dũng cảm, rực lửa yêu thương, làm đuốc soi đường cứu cả bộ tộc. Câu chuyện đặt cả bộ tộc trong tình huống nan giải: không làm nô lệ nhưng cũng không bị tiêu diệt, mà phải tồn tại trong tự do để giữ gìn giá trị tinh thần, truyền thống văn hoá qua những lời di chúc của ông cha. Ba phía là rừng rậm, đầm lầy; phía còn lại là quân thù hung dữ. Họ định vượt rừng để tới nơi thảo nguyên mênh mông phía bên kia, nhưng rừng càng rậm, đầm lầy càng hôi thối đã cản bước tiến của họ. Buồn nản rồi chết chóc làm cho con người yếu đuối. Họ đã tính chuyện quay lại đầu hàng kẻ thù. Họ sợ chết và thực tế lưỡi hái của thần chết đang vung trên đầu họ nên họ không còn sợ sống nô lệ. Giữa lúc cả bộ lạc tâm thần khiếp nhược, tư tưởng yếu hèn lan truyền như bệnh dịch thì Đankô xuất hiện và thúc giục mọi người vững bước. Dẫn đầu đoàn người băng rừng, nhưng rừng càng ngày càng rậm rạp, các yếu tố thiên nhiên cũng tàn bạo phụ hoạ. Nhưng sự đe doạ của thiên nhiên không đáng sợ bằng sự mất lòng tin của con người. Những "con người nhỏ bé" trong bộ lạc chưa tự vượt mình để nâng bản thân mình lên mà lại quay sang kết tội Dankô vô cùng phi lý: "Mi phải chết! Mi phải chết!". Họ gầm lên như vậy vì họ cho Đankô là kẻ hèn mọn, dẫn đoàn người vào nơi nguy hiểm. Chân lý bị vùi dập, chân lý tạm thời bị thất bại, đường chân lý đi qua phải trả giá đắt bằng máu tim của người anh hùng. Đankô tự vượt mình, dám xả thân vì nghĩa lớn, can trường xé lòng ngực, dứt tim ra và giơ cao: "Trái tim cháy sáng rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời, và cả khu rừng im lặng, sáng lên dưới ngọn đuốc của lòng yêu thương vĩ đại đối với mọi người".

Người theo dõi